Bất động sản công nghiệp phát triển sẽ tác động tích cực đến các thị trường khác như nhà ở, văn phòng cho thuê
Thống kê mới nhất của Savills Việt Nam cho thấy nhiều tập đoàn đã và đang di dời nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam như: Hanwha, Yokowo, Shuafu, Goertek, Foxcom, Lenovo, Nintendo, Sharp, Kyocera, Oasis… Các tập đoàn này hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực điện tử, dệt may, giày dép, sản xuất phụ tùng.
Nhiều yếu tố hút nhà đầu tư vào KCN
Theo ông John Campbell, tư vấn cấp cao dịch vụ công nghiệp Savills Việt Nam, chính những căng thẳng thương mại Mỹ - Trung; các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia đã tạo cơ hội cho nguồn vốn đầu tư, từ đó tác động tích cực đến ngành bất động sản (BĐS) công nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ xóa bỏ 99% thuế hải quan, hàng hóa thông thương sẽ gia tăng thu hút vào lĩnh vực BĐS công nghiệp.
Ông John Campbell cho rằng tỉ lệ lấp đầy KCN ở các tỉnh trọng điểm tăng trưởng mạnh theo năm, quỹ đất dồi dào và các dự án tiêu biểu gia tăng ngược lại cũng thúc đẩy sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. "BĐS công nghiệp phát triển tác động tích cực và trực tiếp đến các thị trường khác như nhà ở, văn phòng cho thuê... Các tập đoàn đa quốc gia sẽ đem theo một đội ngũ rất lớn chuyên gia, người lao động đến khu vực mà họ đặt nhà máy, văn phòng làm việc từ đó các phân khúc này được dự báo sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới" - tư vấn cấp cao của Savills Việt Nam nhận xét.
Trong khi đó, CBRE Việt Nam dẫn chứng số liệu giá đất công nghiệp giữa Trung Quốc và Việt Nam có sự chênh lệch rõ rệt. Theo đó, giá thuê đất công nghiệp ở Việt Nam trung bình hấp dẫn hơn, từ 100-140 USD/m2/chu kỳ thuê, trong khi giá ở Trung Quốc đến 180 USD/m2/chu kỳ.
Công ty JLL Việt Nam cũng thống kê mức giá thuê tại các KCN ở Việt Nam đã có chiều hướng tăng và tỉ lệ lấp đầy đã nhích lên. Theo JLL, giá thuê trung bình quý II/2019 đã tăng 15,8% so quý trước. Với mức 162 USD/m2/chu kỳ thuê, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục là thị trường có giá thuê đất và nhà xưởng cao nhất phía Nam. Tiếp theo là Đồng Nai 160 USD/m2/chu kỳ thuê. Long An cũng rất tiềm năng, được xem là lựa chọn mới bên cạnh 2 khu vực đầu tư truyền thống là Bình Dương và Đồng Nai.
Theo JLL, do các KCN hiện tại đã có tỉ lệ lấp đầy cao, thời gian tới những KCN hiện hữu và KCN mới sắp đưa ra thị trường sẽ đáp ứng dần các nhu cầu mới của nhà đầu tư. Năm thị trường công nghiệp hàng đầu tại khu kinh tế trọng điểm miền Nam đều có tỉ lệ lấp đầy trung bình đạt được mức cao với 81% trong quý II/2019. Dẫn đầu vẫn là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai.
Xét về triển vọng tương lai, sẽ có khoảng 18.290 ha đất đã được định hướng cho phát triển công nghiệp ở khu vực phía Nam, phần lớn nguồn cung tập trung chủ yếu ở các tỉnh Long An, Bình Dương và Đồng Nai.
Phát triển KCN gắn với đô thị
Theo ghi nhận của phóng viên, trong bối cảnh BĐS công nghiệp đang bùng nổ để đón đầu xu hướng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ mạnh vào Việt Nam thời gian qua, nhiều KCN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã nỗ lực cải thiện, thay đổi để thu hút doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư. Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, một số KCN đã đầu tư xây dựng nhà xưởng cao tầng. Như tại KCX Tân Thuận (quận 7), chủ đầu tư đã xây dựng 3 khối nhà xưởng cao tầng cho thuê hay KCX Linh Trung đang xây dựng nhà xưởng cao tầng dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay.
Một xu hướng khác là các KCN đang tiến hành chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình "khu thương mại, dịch vụ, cụm công nghệ cao gắn với đô thị hiện đại" nhằm tăng sức cạnh tranh, sức hấp dẫn với DN, nhà đầu tư. Đại diện KCX Tân Thuận cho biết các KCN có vị trí gần trung tâm đang đẩy mạnh chuyển đổi theo hướng công nghiệp xanh, bền vững; nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thu hút đầu tư về công nghệ thúc đẩy sự phát triển kinh tế…
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh, đánh giá thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển khi các tập đoàn dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta đừng quá kỳ vọng và ảo tưởng về những lợi ích to lớn mà xu hướng này mang lại. Bởi hiện tại sức cạnh tranh của Việt Nam còn thua Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ…
"Đón nhận và ứng xử với xu hướng dịch chuyển này ra sao để tốt nhất cho thị trường là vấn đề. Theo tôi, cần nâng cao chất lượng hạ tầng, nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh từ việc phát triển hạ tầng, công nghiệp phụ trợ để thu hút BĐS công nghiệp. Văn phòng làm việc sẽ sôi động; căn hộ cho thuê, hộ gia đình cũng như các dịch vụ liên quan đến giáo dục, vui chơi, giải trí, mua sắm… cũng sẽ được thúc đẩy từ sự phát triển của BĐS công nghiệp" - ông Lê Hoàng Châu nói.
Cũng liên quan đến phát triển mặt bằng sản xuất trong bối cảnh hiện tại, bà Lâm Diệu Tâm Hiếu, chuyên gia phát triển dự án KCN - Phó Tổng Giám đốc Công ty Kizuna, cho rằng bên cạnh mô hình KCN truyền thống, vốn rất khó để DN nhỏ và vừa tiếp cận, các công ty BĐS KCN nên nghiên cứu mô hình kiểu mới cung cấp dịch vụ, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, sử dụng năng lượng tái tạo.
Các KCN có thể cung cấp nhà xưởng xây sẵn với quy mô nhỏ và cần đồng hành với khách hàng ngay từ lúc khách hàng tìm hiểu đầu tư nhà xưởng sản xuất và trong suốt quá trình hoạt động sản xuất. "Đây thực sự sẽ là bước tiến mới trong việc cung cấp mặt bằng sản xuất cho DN vừa và nhỏ, thường gặp khó về việc xây dựng nhà xưởng đúng chuẩn, hiện đại, tiết kiệm chi phí" - bà Lâm Diệu Tâm Hiếu nhận xét.
Bạn đã có tài khoản? Đăng nhập